Sáng tạo vốn là một quy trình ngẫu nhiên hay là một thứ gì đó có thể được nuôi dưỡng và được tạo ra bằng cách sử dụng nhiều phương pháp kỹ thuật khác nhau? Các nhà khoa học trên khắp thế giới đã tìm ra được chuyện gì đang diễn ra trước khi khoảnh khắc “lóe sáng” hiện lên trong đầu bạn.
Nghiên cứu của họ chỉ ra rằng năm điều sau đây có thể giúp bạn “mở xích” được khả năng sáng tạo của bản thân.
Làm những điều khác biệt
Nếu bạn muốn nảy ra những giải pháp sáng kiến cho một vấn đề nào đó khiến bạn lo lắng, vậy thì chỉ cần làm những điều đơn giản như thay đổi những thói quen hằng này của bạn thôi cũng có thể khiến bạn có một cái nhìn sáng tạo hơn rồi.
Tiến sĩ Tâm lý học Simone Ritter đến từ trường Đại học Radboud ở Nijmegen đã nhận ra rằng thậm chí chỉ cần thay đổi cách bạn làm miếng sandwich thôi cũng có thể giúp tăng khả năng sáng tạo của bạn lên.
Cô ấy nói rằng mọi người nên tìm kiếm những trải nghiệm bất ngờ nếu họ muốn nghĩ khác biệt và rồi họ có thể tiếp cận vấn đề ở một khía cạnh hoàn toàn mới.
Việc thay đổi thói quen hằng ngày của bạn có thể gây ra những thay đổi diễn ra trong đầu bạn.
Những kết nối thần kinh quen thuộc sẽ bị lơ đi và những kết nối mới sẽ được tạo ra giữa các tế bào nào. Điều này có thể dẫn đến những ý tưởng mới và độc đáo hơn.
Tránh xa những thứ gây xao lãng
Một lựa chọn khác đó là hãy gạt bỏ tất cả những thứ khiến bạn xao lãng nếu bạn muốn lóe lên một ý tưởng nào đó.
Tác giả văn học thiếu nhi, Roald Dahi thường không cho phép bất kỳ ai bước vào phòng viết đặt giữa vườn của mình khi ông sáng tác, trong khi Jonathan Franzen đã phải đeo nút bịt lỗ tai, tai nghe cùng băng bịt mắt chỉ viết cuốn tiểu thuyết The Corrections (Sửa Sai) được xuất bản vào năm 2011 của mình.
Bạn cũng có thể cố gắng huấn luyện cho bộ não của mình cách để gạt bỏ những thứ gây xao lãng đi.
Những nhà khoa học thần kinh tin rằng những khoảnh khắc sáng tạo thường xảy ra ở khu vực gần phía trước của bán cầu não phải có tên gọi là Hồi thái dương trên. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có một sự tăng lên đáng kể trong sóng não năng lượng cao (được gọi là sóng gamma) thoát ra từ vùng này khi khoảnh khắc ‘lóe sáng’ hiện ra.
Giáo sư John Kounios từ Đại học Drexel nói rằng, chỉ trước khi điều đó xảy đến, một đợt sóng não alpha – một loại sóng có liên quan đến việc thả lỏng – cũng xuất hiện phía sau đầu.
Mọi người thường nhận rất nhiều thông tin bằng mắt thường những những sóng alpha này thường cho phép bộ não nghỉ ngơi một chút – và chuyện này xảy ra nhanh như khi bạn chớp mắt vậy.
Điều này cho phép những ý tưởng còn mơ hồ trong đầu bạn bất chợt trở nên rõ ràng hơn.
Giáo sư Kounios nói thêm: “Khi bạn hỏi ai đó một câu hỏi khó, bạn sẽ chú ý thấy rằng họ thường nhìn đi chỗ khác hoặc thậm chí có thể nhắm mắt lại hoặc nhìn xuống dưới. Họ sẽ nhìn đi bất kỳ đâu ngoại trừ mặt bạn bởi đó là tác nhân khiến họ xao lãng.”
Nếu bạn có thể tự mình tập trung trong đầu, thì bạn sẽ dễ dàng hiểu và giải quyết vấn đề hơn.
Làm những việc “tầm thường”
Một hoạt động khác có thể giúp bạn tạo ra sóng não sáng tạo trong đầu đó là hãy làm những chuyện không yêu cầu phải suy nghĩ nhiều.
Giáo sư Jonathan Schooler đến từ trường Đại học California ở Santa Barbara giải thích rằng: “Nếu bạn đang bế tắc, vậy thì hãy thư giãn. Hãy cho phép những hành động vô thức diễn ra. Nhưng thay vì chỉ ngồi đó, bạn có thể đi bộ hoặc tắm rửa hoặc làm chuyện gì đó như là làm vườn chẳng hạn.”
Gregor Mendel, thường được mô tả như là “cha đẻ của di truyền học”, đã phải trải qua nhiều năm kiên nhẫn ngồi đếm và nghiên cứu cây đậu cùng ong mật.
Dù cho bị đánh giá thấp trong suốt cuộc đời của mình, ông vẫn là người đầu tiên khám phá ra quy luật về di truyền học.
Đừng ngại phải ứng biến hay liều lĩnh
Tiến sĩ Charlies Limb đến từ Trường Y Khoa của Đại học John Hopkins đã nói rằng tất cả mọi người đều là những sinh vật sáng tạo kể cả khi họ không nhận ra điều đó.
“Nếu mọi người nghĩ đến hành vi thường ngày của mình – thì hầu hết trong số chúng đều diễn ra một cách bất ngờ. Hầu hết trong số đó đều là những hành vi ứng biến của chúng ta. Họ không lập kế hoạch từng giây từng phút cho những chuyện họ định làm,” ông nói.
Ông nói rằng những nhạc sĩ nhạc jazz, cùng những rapper theo phong cách freestyle, những người vẽ tranh minh họa hay biếm họa đều trải nghiệm những sự thay đổi tại khu vực nằm trước não được gọi là vỏ não trước trán khi họ ứng biến trước các tình huống.
Ông nói: “Đây là phần não khiến chúng ta trở thành con người. Chúng ta có thể thấy được vùng vỏ não trước trán ngưng hoạt động ở những nhạc sĩ này.”
Những kiểu người này ít có cảm giác rằng họ phải kiểm soát hành vi của mình và thường liều lĩnh hơn.
Hãy để bộ não của bạn thả lỏng
Tiến sĩ Rex Jung đến từ trường Đại học New Mexico cũng quan sát thấy được khi con người ta tham gia vào tiến trình sáng tạo, có một sự thay đổi rõ rệt ở vùng thùy trán.
Khi có ít hoạt động hơn ở vùng thùy trán, bạn có thể nảy ra ý tưởng mới mẻ hơn.
Tiến sĩ Jung mô tả hiện tượng này là “giảm hoạt động chức năng tạm thời ở thùy trán” (transient hypofrontality).
Ông cũng nói rằng chúng ta có thể tạo ra trạng thái não tạm thời này bằng cách trầm ngâm suy nghĩ hay chạy bộ đường dài.
Ông cũng nói thêm rằng điều này liên quan đến những gì đang xảy ra với chất trắng (white matter) trong não bộ – một hệ thống lắp đặt phức tạp được tạo thành từ những kết nối dài trên 150,000km.
Ý tưởng của bạn có thể bất chợt râm rỉ xung quanh trong tâm trí vô thức của bạn trước khi bạn nhận ra nó, thế nên trong khi ‘khoảnh khắc sáng tạo’ có thể xảy ra tức thời như nghiên cứu đã chỉ ra, thì nhiều ý tưởng khác cũng nảy sinh thậm chí trước khi bạn kịp nhận ra chúng.
Theo như nghiên cứu của Tiến sĩ Jung, những bộ óc sáng tạo sẽ ít bị thiết lập và bó buộc, khiến việc truyền tải thần kinh bị chậm lại. Điều này tạo điều kiện cho những kết nối bất thường xảy ra thậm chí nếu như nó chỉ có vài giây để làm điều đó.
Nếu điều này xảy ra với Charles Darwin thì nó cũng có thể xảy ra với bạn.